Đăng bởi Trường Hiếu - Báo Trà Vinh | 10:50 | 24/03/2021
Mô hình trồng trồng bưởi da xanh vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm nước của nhà vườn Cao Văn Bé, sinh năm 1958, ngụ ấp Đon, xã Nhị Long huyện Càng Long đã tạo hiệu quả kinh tế cao; mô hình được nhiều nhà vườn ở địa phương học tập và nhân rộng.
Thỉnh thoảng, ông Cao Văn Bé kiểm tra hệ thống cảm ứng để an toàn
Ông Cao Văn Bé có hơn 0,4ha bưởi da xanh, với khoảng 180 gốc, đã 07 năm tuổi. Theo ông Cao Văn Bé, năm 2014, với 0,4ha (diện tích đang trồng bưởi da xanh hiện tại) của ông thời điểm đó là xoài. Tuy nhiên, xoài đã già, năng suất thấp, chăm sóc nặng về công và chi phí cao về thuốc, nên ông cải tạo, quyết định chọn bưởi da xanh để trồng. Chỉ sau gần 02 năm bưởi cho trái chiến; để dưỡng cây, cho trái kéo dài, sang vụ năm thứ 03 ông mới quyết định để trái. Để đỡ tốn công, ông đầu tư hệ thống ống nhựa (loại mềm) để tưới; đồng thời, ông câu nhờ điện phụ hơi, do chưa đầu tư điện kế chính. Với diện tích 0,4ha bưởi, cứ 01 tuần ông phải tưới 01 lần, mỗi lần mất từ 05-06 giờ, bình quân tiền điện năng tiêu thụ từ 0,6-0,7 triệu đồng/tháng...
Năm 2017, nhờ bưởi da xanh trúng giá, hơn 40.000 đồng/kg, nên ông có thu nhập gần 150 triệu đồng/0,4ha/năm, cùng với học tập kinh nghiệm của một số nhà vườn ở tỉnh Bến Tre, nên ông Cao Văn Bé quyết định đầu tư 30 triệu đồng câu điện kế chính và thay toàn bộ hệ thống ống nhựa kéo sang hệ thống ống cố định, bố trí các điểm phun nước ngay từng gốc bưởi. Đặc biệt, ông nhờ cán bộ chuyên môn Điện lực Càng Long lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa không dây (điều khiển qua remote), tiện lợi cho quá trình tưới (không cần đến tận điểm lắp đặt CP). Hệ thống tưới nước từ xa không dây vừa giúp giảm công sức lao động, vừa tiết kiệm nước cũng như an toàn về điện trong khi tưới (không tiếp cận nhiều lần với hệ thống dây dẫn). Đặc biệt, hệ thống tưới tự động bằng điều khiển từ xa khi bấm điều khiển, các thiết bị cách xa hàng chục mét vẫn đón nhận cảm ứng, hoạt động ngay.
Do nước tưới được cung cấp trực tiếp cho bưởi thông qua hệ thống ống tưới, không bị thất thoát do chảy ra ngoài hoặc bốc hơi nhiều như trước đó; lượng nước tưới được thông qua các lổ của ống tưới ngay mỗi gốc bưởi, nên lượng nước có thể kiểm soát được, nước chảy tới đâu được đất hấp thụ đến đó, không xảy ra việc chảy tràn. Theo nhà vườn Cao Văn Bé, việc áp dụng kỹ thuật tưới này tiết kiệm khoảng 40% lượng nước và 80% thời gian tưới so với trước đó (vì mỗi lần tưới chỉ 15-20 phút, tùy theo mùa). Đặc biệt, giảm gấp 03 lần tiền điện năng tiêu thụ; vì hiện nay, ông chỉ chi phí đóng tiền điện 50.000-60.000 đồng/tháng.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng